Năm 2011, cũng như nhiều địa phương trong tỉnh, huyện Trấn Yên bắt tay vào công cuộc xây dựng nông thôn mới (XDNTM) với điểm xuất phát thấp, kết cấu hạ tầng thiếu thốn. Toàn huyện khi ấy vẫn còn tới 6 xã và 46 thôn, bản đặc biệt khó khăn (ĐBKK) có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Trong đó, 5 thôn, bản có 100% đồng bào là dân tộc Mông, thu nhập của người dân ở mức thấp, phong tục, tập quán và trình độ sản xuất còn lạc hậu nên đại đa số đồng bào còn chưa hiểu được mục đích, ý nghĩa của Chương trình mục tiêu quốc gia về XDNTM.
Song, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, quyết tâm đoàn kết của toàn Đảng bộ, chính quyền và sự đồng thuận của nhân dân các dân tộc trong huyện, kết thúc giai đoạn 2011 - 2015, Trấn Yên đã có 3 xã hoàn thành mục tiêu XDNTM là: Báo Đáp, Tân Đồng, Việt Thành. Đây chính là chìa khóa mở toang cánh cửa XDNTM cho cả giai đoạn 2015 - 2020 ở Trấn Yên.
Đặc biệt, với 21/21 xã trên địa bàn huyện đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) trong năm cuối nhiệm kỳ, huyện Trấn Yên đã được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định công nhận huyện NTM năm 2019. Từ đây, Trấn Yên thực sự trở thành điểm sáng tiêu biểu đầu tiên trong phong trào XDNTM không chỉ riêng Yên Bái mà của cả khu vực Tây Bắc.
Có thể nói, thành quả của 10 năm nỗ lực, kiên trì và phấn đấu chính là khát vọng vươn lên của trên 86 ngàn "chủ thể NTM” trong toàn huyện được đánh thức và các tiềm năng, lợi thế được phát huy tối đa. Kết quả ấy chính là 100% các tuyến đường từ huyện đến xã, đường liên xã, liên thôn được kiên cố hóa; 80% tuyến đường ngõ, xóm được cứng hóa.
Tất cả các tuyến đường nội đồng, đường vào khu sản xuất được mở mới và nâng cấp, đảm bảo đi lại thuận tiện phục vụ sản xuất; hệ thống thủy lợi đảm bảo tưới tiêu cho toàn bộ diện tích sản xuất và phòng chống thiên tai; 100% thôn, bản có điện lưới quốc gia.
Hệ thống chợ nông thôn được xây dựng đáp ứng nhu cầu trao đổi hàng hóa của nhân dân; kinh tế nông nghiệp có bước phát triển vượt bậc, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, liên kết theo chuỗi giá trị với các sản phẩm chủ lực như: vùng trồng tre măng Bát độ trên 3.700 ha, sản lượng măng trên 70.000 tấn/năm; vùng trồng dâu nuôi tằm trên 700 ha, sản lượng kén 800 tấn/năm; vùng quế đạt trên 17.000 ha, trong đó quế hữu cơ đạt trên 8.000 ha; vùng trồng cây ăn quả có múi 800 ha; vùng chăn nuôi hàng hóa với gần 700 cơ sở. Trong đó, nhiều cơ sở chăn nuôi gia cầm có quy mô từ 10.000 - 40.000 con/lứa, sản lượng thịt hơi hàng năm trên 70.000 tấn…
Niềm vui ấy còn được nhân lên gấp bội khi thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn Trấn Yên tăng từ 11 triệu đồng năm 2011 lên 37 triệu đồng năm 2020 và gần 43 triệu đồng năm 2021. Theo đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm trên 28% năm 2011 xuống còn 2,03% năm 2020, không còn hộ dân nào phải ở nhà tạm, nhà dột nát.
Các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao được quan tâm chăm lo ngày càng chu đáo với 100% các đơn vị trường học và trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia, 100% số xã có hội trường văn hóa đa năng, các nhà văn hóa, sân thể thao ở thôn với đầy đủ trang, thiết bị đáp ứng sinh hoạt của cộng đồng; bản sắc văn hóa các dân tộc được bảo tồn, gìn giữ, phát huy, đời sống tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt, chất lượng cuộc sống ngày càng được nâng lên; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Kết quả đó một lần nữa đã khẳng định XDNTM chính là hướng đi đúng đắn, hợp thời và đáp ứng được nguyện vọng thiết tha của nhân dân trong huyện. Đồng thời, giải quyết hiệu quả, chất lượng các vấn đề mà những "chủ thể NTM” luôn quan tâm, trăn trở - vấn đề tam nông. Để có được kết quả ấy, Đảng bộ Trấn Yên đã quyết tâm cao trong đổi mới phương thức lãnh đạo "khoán việc cho từng cán bộ, đảng viên”.
Người dân Trấn Yên tích cực tham gia phong trào kiên cố hóa đường giao thông nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Qua đó, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong huyện phải là một tuyên truyền viên, tích cực, chủ động đến từng thôn, bản, từng hộ gia đình, tuyên truyền để dân thấm, dân hiểu và quan trọng là đồng hành cùng dân, không để dân thực hiện XDNTM một mình.
Đặc biệt, Đảng bộ huyện Trấn Yên đã triển khai rất hiệu quả phong trào Ngày thứ Bảy cùng dân. Đây thực sự là bước tiến vượt bậc trong công tác dân vận của Đảng mà những cán bộ, đảng viên trong huyện đã và đang năng động, sáng tạo triển khai thực hiện để xây nhịp cầu bền vững nối Đảng với dân.
Theo đó, cứ đến mỗi cuối tuần, cán bộ lại về với dân, cùng dân lao động, cùng dân tâm tình, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tháo gỡ những băn khoăn, trăn trở của nhân dân gắn tuyên truyền nghị quyết, chính sách của Đảng, Nhà nước tới nhân dân để dân hiểu, dân tin, dân làm theo.
Thực tế cho thấy, việc phân công cán bộ chủ chốt phụ trách công tác XDNTM và gắn trách nhiệm cụ thể cho từng đơn vị, từng cán bộ đã khích lệ tinh thần và quyết tâm chính trị của cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ. Từ đó, cán bộ, đảng viên nêu cao vai trò tiên phong trong công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa và vai trò đặc biệt quan trọng của mình trong XDNTM.
Phát huy những kết quả đạt được, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Trấn Yên lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, đã khẳng định quyết tâm chính trị lớn là "Phấn đấu xây dựng huyện Trấn Yên phát triển toàn diện gắn với mục tiêu trở thành huyện NTM kiểu mẫu”.
Để thực hiện mục tiêu này, Trấn Yên đã xây dựng kế hoạch theo từng năm để triển khai. Phương châm tiến hành là từ dễ, đến khó, từ đơn giản đến phức tạp, nội dung nào phức tạp thì chia nhỏ thành từng phần việc để giải quyết.
Theo Kế hoạch số 19-KH/HU, năm 2021, Trấn Yên phấn đấu xây dựng 5 xã đạt tiêu chí NTM nâng cao, 1 xã đạt tiêu chí NTM kiểu mẫu; 25 thôn đạt chuẩn thôn NTM kiểu mẫu. Đến nay, có 45 thôn đạt chuẩn thôn NTM kiểu mẫu; 3 xã được công nhận xã NTM nâng cao là: Đào Thịnh, Bảo Hưng, Việt Thành; xã Đào Thịnh đã được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Theo đó, muốn đạt kết quả cao trong XDNTM nâng cao, NTM kiểu mẫu phải thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở.
Đảm bảo công khai cho các tổ chức đoàn thể, cán bộ, đảng viên và mọi người dân được tham gia đóng góp xây dựng và giám sát quá trình thực hiện quy hoạch, Đề án XDNTM nâng cao, NTM kiểu mẫu ở địa phương. Phát huy vai trò giám sát của ban giám sát cộng đồng, để đảm bảo chất lượng công trình, phát huy hiệu quả vốn đầu tư để nhân dân tin tưởng và tích cực tham gia XDNTM.
Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, phát hiện những đơn vị làm tốt và những vấn đề còn tồn tại; kịp thời tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, đánh giá sơ kết rút kinh nghiệm, nhân ra diện rộng những điển hình hay, cách làm sáng tạo.
Đặc biệt, phải lựa chọn bước đi, cách làm phù hợp với điều kiện của huyện; tạo môi trường đầu tư thuận lợi về mặt bằng, giao thông, đào tạo nhân lực, dạy nghề để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn, nhất là đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.
Phải dành sự ưu tiên và quan tâm đặc biệt trong chỉ đạo tổ chức thực hiện đối với các xã ĐBKK và các thôn, bản ĐBKK trong xây dựng thôn NTM kiểu mẫu, NTM nâng cao bằng nhiều hình thức cụ thể, thiết thực phù hợp với thực tế ở địa phương, như: kêu gọi các tổ chức kinh tế - xã hội, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, lực lượng vũ trang, con em xa quê thành đạt… cùng chung tay, góp sức ủng hộ và đồng hành với quê hương.
Cùng với đó, phải coi trọng chỉ đạo điểm và xây dựng mô hình thôn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu trên cơ sở những xã điểm có ưu thế về điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội. Qua đó, một mặt đánh giá, rút kinh nghiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện, mặt khác tổ chức các hoạt động thăm quan, học tập tại các xã điểm để cán bộ và người dân trực tiếp nhìn thấy hiệu quả, lợi ích của việc XDNTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.
Ưu tiên đầu tư cho các công trình điện, đường, trường, trạm, nước sạch, vệ sinh môi trường... và định kỳ sơ, tổng kết, biểu dương, khen thưởng kịp thời những cá nhân, tổ chức, hộ gia đình có nhiều đóng góp trong phong trào XDNTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Bởi đó chính là động lực khích lệ, cổ vũ cán bộ, đảng viên và nhân dân cùng đồng thuận và tích cực, chủ động tham gia thực hiện hiệu quả phong trào.
Thanh Hương